Bệnh Lao và bệnh COPD đều có những triệu chứng hô hấp như ho, khạc đàm, có thể có khó thở cho nên đôi khi có thể bị nhầm lẫn giữa 2 bệnh này. Chính vì thế để chẩn đoán xác định bác sỹ sẽ yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm khác như: phản ứng lao tố (IDR) dương tính, tìm vi trùng lao (BK,AFB) trong đàm dương tính, bạch cầu lympho trong máu tăng, tốc độ máu lắng (VS) tăng.
Ở bệnh nhân bị COPD, hệ thống lông chuyển kém tác dụng, khả năng bảo vệ cơ thể bị yếu kém nên vi trùng lao dễ dàng xâm nhập và gây ra bệnh. Hơn nữa, ở những bệnh nhân COPD hay hen suyễn mà sử dụng corticoid lâu dài (đặc biệt là các thuốc dạng uống hay chích mà có tác dụng kéo dài) thì sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể và dễ dàng làm bệnh lao bùng phát. (Xin lưu ý là những trường hợp suy giảm miễn dịch bao gồm suy giảm miễn dịch mắc phải như bị nhiễm HIV-AIDS hay suy giảm miễn dịch do dùng thuốc như corticoid liều cao lâu dài, thuốc điều trị ung thư đều có nguy cơ làm bệnh lao bùng phát). Đối với người bị COPD việc dùng thuốc corticoid phải đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chứ không nên tự tiện sử dụng sẽ mang lại những hậu quả tại hại. (Tuy nhiên những bệnh nhân nào đang sử dụng corticoid lâu dài (dạng uống hay chích) nếu sau khi đọc bài này thấy sợ corticoid mà ngưng thuốc ngay lập tức thì cũng không nên vì khi sử dụng thuốc này lâu dài, trước khi ngưng phải giảm liều từ từ còn nếu ngưng thuốc đột ngột có thể gây ra suy tuyến thượng thận cấp). Bệnh COPD là bệnh mãn tính trong đó chức năng hô hấp lúc nào cũng sút giảm hơn người bình thường. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng (vi trùng) hay nhiễm siêu vi (như cảm cúm) đều có thể làm nặng thêm bệnh COPD và đưa bệnh vào giai đoạn cấp. Như vậy, nếu bệnh nhân bị COPD mà mắc thêm bệnh lao thì tình trạng COPD sẽ nặng nề hơn và đôi khi phải vào nhập viện điều trị. Do vậy, những người mắc bệnh COPD phải kiểm tra X quang phổi định kỳ mỗi năm để giúp phát hiện sớm bệnh lao (nếu như bệnh không có triệu chứng) nhằm điều trị kịp thời tránh những biến chứng nặng nề. Một số trường hợp bệnh nhân có thể mắc COPD trước đó nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng, khi bị bệnh lao sẽ làm tình trạng tắc nghẽn bộc lộ rõ và người bệnh sẽ có triệu khó thở và phát triển luôn bệnh COPD. Một số trường hợp khác bệnh nhân không hề có bệnh COPD trước đó nhưng sau khi bị bệnh lao mà do điều trị trễ sẽ để lại di chứng khó thở thường xuyên rất dễ nhầm lẫn với bệnh COPD. Người bệnh lao sau khi điều trị sẽ ít nhiều để lại di chứng có ảnh hưởng đến chức năng phổi. Nếu vẫn tiếp tục tiếp xúc với yếu tố nguy cơ (như khói thuốc lá) thì có thể mắc thêm bệnh COPD, khi đó tiên lượng sẽ nặng nề hơn. Như vậy vấn đề khó thở của bệnh nhân sau khi điều trị lao có phải là bệnh COPD hay không? Câu trả lời là có thể đúng mà cũng có thể không. Đúng vì nếu bệnh nhân có tiền căn hút thuốc lá hay tiếp xúc với môi trường ô nhiễm trước đó có thể đã mắc bệnh COPD tiềm ẩn, sau khi bị bệnh lao thì bệnh COPD sẽ phát triển. Không đúng nếu như bệnh nhân không hề có yếu tố nguy cơ COPD trước đó nhưng do để bệnh lao quá nặng, sau khi điều trị khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề như xẹp phổi, hủy một phần lớn nhu mô phổi thì khi đó bệnh nhân cũng bị khó thở thường xuyên không phải do nguyên nhân tắc nghẽn đường thở mà do một phần của phổi mất hoàn toàn chức năng, không còn hoạt động được nữa. Tóm lại: Bệnh lao phổi và COPD có thể nhầm lẫn nên phải được bác sỹ chẩn đoán xác định (người bệnh không nên tự mình chẩn đoán vì thấy có triệu chứng giống như những người đã được chẩn khác). - Chẩn đoán COPD dựa vào lâm sàng, tiền căn tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và hô hấp ký. - Chẩn đoán lao phổi dựa vào lâm sàng, X quang phổi và các xét nghiệm vi trùng lao. Người bệnh COPD có nguy cơ bị bệnh lao nhiều hơn những người bình thường. Do vậy nên chụp X quang phổi định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh sớm. Người bệnh lao không nên tiếp tục hút thuốc vì nếu mắc kèm bệnh COPD thì tiên lượng sẽ nặng nề hơn. Khó thở sau khi điều trị lao có thể do bệnh COPD kết hợp hay chỉ do di chứng của bệnh lao.