Bệnh lao và nguyên tắc điều trị lao
Thứ bảy - 07/01/2017 04:16
Bệnh lao là một bệnh do vi khuẩn có tên là Mycobacteria.tuberculosis gây nên, bệnh biểu hiện chủ yếu ở phổi, ngoài ra có thể gây bệnh ở bất cứ một cơ quan nào khác, lứa tuổi chủ yếu bị bệnh là người lớn, nam bị nhiều hơn nữ, những người có yếu tố nguy cơ, suy giảm miễn dịch có khả năng bị bệnh nhiều hơn.
Trong những năm gần đây, bệnh lao ổn định ở mức toàn cầu và có xu hướng giảm, tình hình ở Việt nam cũng tương tự, tuy nhiên Việt nam hiện vẫn nằm trong 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, với tỷ lệ người hiện mắc khoảng 200 người trên 100.000 người dân, tương đương khoảng 97.000 trường hợp mắc mới hàng năm, con số này rất cao nếu so với một số quốc gia như Úc, Mỹ, với số người hiện mắc chỉ ở con số 2 đến 3 người trên 100.000 dân. Bệnh lao được điều trị bằng các thuốc đặc trị cho vi khuẩn lao. Những thuốc lao có hiệu quả nhất trong điều trị bệnh lao hiện nay là Rifampicin, Izoniazid, Pyrazinamid, Ethambuton và Streptomicin, những thuốc này được goi là những thuốc hàng 1, thuốc đầu tiên Streptomicn được phát hiện lần đầu tiên từ những năm 1945 và trong những thập kỷ tiếp theo. Những thuốc kháng lao hàng 2, những thuốc uống bao gồm PAS, Cycloserin, Ethionamid, Prothionamid và những thuốc tiêm Kanamycin, Amikacin, Capreomicin, và những thuốc thuộc nhóm Quinolones, như Ofloxacin, Ciprofloxacin, Levofloxacin, Morxifloxacin,. Những thuốc lao hàng 2 đường uống thực chất là những thuốc đã được sử dụng từ trước khi có thuốc lao hàng 1 và không phải là thuốc điều trị lao hiệu quả do thuốc có tác dụng phụ nhiều, khả năng tiêu diệt vi khuẩn thấp. Tuy nhiên do tỷ lệ vi khuẩn lao kháng thuốc hàng 1 tăng lên, do đó những thuốc lao này được sử dụng trở lại và được sử dụng kèm theo được gọi chung là thuốc lao hàng 2.
Một số đặc điểm sinh học, dược học và các nguyên tắc điều trị lao:
Do vi khuẩn lao sinh sản rất chậm 48-72h một lần, so với các vi khuẩn khác như vi khuẩn đường ruột trong một vài giờ, dẫn đến yêu cần cần uống thuốc đúng giờ và cùng lúc để đảm bảo được tác động cộng hợp, duy trì được nồng độ thuốc đạt hiệu quả diệt, ức chế vi khuẩn trong máu vào đúng những thời điểm mà vi khuẩn phân chia ( vì cơ chế của tất cả các thuốc đều nhằm vào thời điểm vi khuẩn phân chia). Vd: Uống thuốc vào 9h sáng thì sẽ tiếp tục uống vào 9h sáng hàng ngày.
Do vi khuẩn lao trong tổn thương không phải chỉ có một quần thể vi khuẩn duy nhất, người ta cho rằng có ít nhất là 4 quần thể. Có quần thể số lượng vi khuẩn nhiều, chuyển hóa mạnh, tồn tại ở thành những tổn thương hang lao ở phổi, quần thể này chịu tác dụng của các thuốc, thuốc tiêm Streptomicin rất có tác dụng với quần thể này, chính vì vậy mà vào giai đoạn tấn công ( 2 tháng đầu) để giảm nhanh số lượng vi khuẩn nên cần phối hợp nhiều thuốc, Streptomicin có tác dụng trong những trường hợp này. Ở giai đoạn duy trì (6 tháng tiếp theo), khi số lượng vi khuẩn đã giảm, việc điều trị nhằm tiêu diệt những vi khuẩn lao ít chuyển hóa hoặc tồn tại trong các tế bào ái toan, khi đó cần ít thuốc hơn và các thuốc có tác dụng trong tế bào, vd: Pyrazinamid. Ngoài ra khi số lượng vi khuẩn lớn vd: thể lao hang ở phổi, lao phổi xét nghiệm đờm AFB (+), có thể tồn tại trong đó cả những vi khuẩn có khả năng kháng các thuốc lao, việc phối hợp nhiều thuốc nhằm mục đích vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi thuốc lao này ( đã bị kháng) sẽ bị tiêu diệt bởi các thuốc lao khác.
Liều thuốc lao nếu không đủ theo cân nặng sẽ không tiêu diệt được vi khuẩn. Ngược lại, nếu sử dụng thuốc quá liều, trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc do thuốc. Chính vì vậy cần phải uống thuốc đúng liều, điều chỉnh liều thuốc khi cân nặng thay đổi, vd: sau khi khi cân nặng tăng. Ở trẻ em cần theo dõi sự thay đổi cân nặng trong quá trình điều trị.
Thuốc lao nên được sử dùng cùng với sự giám sát bởi nhân viên y tế hoặc người thân nhằm để đảm bảo thuốc lao được sử dụng để đảm bảo thuốc được người bệnh sử dụng đúng.
Quy trình phát hiện chẩn đoán và điều trị bênh lao hiện nay theo Chương trình chống lao quốc gia Việt nam:
Bệnh nhân khi được phát hiện có triệu chứng nghi lao bởi nhân viện y tế hoặc tự bệnh nhân chú ý phát hiện, cần được hướng dẫn hoặc tự đến ngay cơ sở có khả năng khám phát hiện bệnh lao như: trung tâm chống lao tuyến Huyện, phòng khám hô hấp bệnh viên Đa khoa, chuyên khoa Lao hoặc các cơ sở y tế tư nhân. Tại các cơ sở y tế đó bệnh nhân được khám hô hấp, xét nghiệm Xquang phổi, ngoài ra cần được chỉ định làm xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao. Tùy theo điều kiện của từng cơ sở mà bệnh nhân có thể được làm các xét nghiệm như: soi đờm trực tiếp, nuôi cấy tìm vi khuẩn lao hoặc các xét nghiệm sinh học phân tử như PCR vi khuẩn lao, hoặc xét nghiệm Gen Xpert…
Việc kết luận một trường hợp lao được phân cấp tùy theo từng mức độ. Tuyến huyện, đa khoa tỉnh được phép kết luận những trường hợp lao phổi soi đờm tìm thấy vi khuẩn lao (kết luận lao phổi AFB (+)), trong trường hợp không tìm thấy vi khuẩn lao trong đờm nhiều lần nhưng vẫn nghi ngờ lao phổi, có thể hội chẩn với bác sỹ chuyên khoa Lao để kết luận những trường hợp này ( lao phổi AFB (-)). Lao ngoài phổi, lao trẻ em cần được chẩn đoán từ chuyên khoa lao tuyến tỉnh trở lên.
Sau khi được chẩn đoán lao. Bệnh nhân được đăng ký quản lý thuộc chương trình chống lao quốc gia. Thuốc điều trị bệnh lao được cung cấp miễn phí cho người bệnh trong quá trình nằm điều trị tại viện và thời gian điều trị ngoại trú sau này. Sau thời gian điều trị thuốc lao ban đầu từ 1 tuần cho đến lâu hơn, bệnh nhân được sao chép hồ sơ và chuyển về Trung tâm y tế quận/huyện, tại đây sẽ được quản lý trực tiếp tại Tổ chống lao, việc quản lý bao gồm đưa vào chương trình quản lý, cấp phát thuốc, theo dõi điều trị, theo dõi tác dụng phụ của thuốc, làm xét nghiệm cần thiết trong quá trình theo dõi và kết luận sau khi kết thúc điều trị. Bệnh nhân có thê được chuyển về quản lý tại tổ chống lao tuyến xã, phường.