13:43 EDT Thứ bảy, 15/03/2025

Chuyên mục

Trang nhất » Tin Tức » Hoạt động Bệnh viện

Quản lý tốt nguồn lây lao kháng thuốc trong cộng đồng

Thứ ba - 26/05/2015 23:08
Điều trị lao kháng thuốc là quá trình điều trị lâu dài, khó khăn. Cho nên, bên cạnh sự điều trị của bệnh viện, sự tuân thủ điều trị của người bệnh, sự quan tâm, chăm sóc của gia đình là vô cùng cần thiết để giúp bệnh nhân có đủ niềm tin theo đuổi quá trình điều trị.




    Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đang chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Phan Hân

        Những năm qua, với chiến lược sử dụng phác đồ điều trị bệnh lao ngắn ngày có kiểm soát, có khoảng 85% số ca điều trị thành công. Bệnh lao không còn được xem là một trong “tứ chứng nan y” (ung thư, lao, HIV/AIDS, phong). Tuy nhiên, tình hình dịch tễ bệnh lao vẫn còn phức tạp, chuyển biến còn chậm. Trong quá trình điều trị vẫn xuất hiện những thể bệnh không mong muốn như: lao thất bại, tái phát, bỏ trị… đã khiến cho tình hình lao kháng thuốc tăng.
       
       Hiện nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bến Tre đang điều trị và quản lý hơn 40 bệnh nhân lao kháng thuốc. Hầu hết bệnh nhân lao kháng thuốc thuộc diện nghèo và khó khăn. Do đó, quá trình điều trị không xuyên suốt, dễ bỏ điều trị. Các trường hợp không quản lý chặt sẽ là nguồn lây nhiễm lao kháng thuốc trong cộng đồng. Nhận định rõ mối nguy hiểm của lao kháng thuốc trong cộng đồng, từ năm 2014, bệnh viện đã triển khai chương trình điều trị lao kháng thuốc cho bệnh nhân lao tái phát và lao mắc mới.
   
      Theo bác sĩ Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, có nhiều nguyên nhân gây nên lao kháng thuốc như do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mắc lao kháng thuốc hoặc do người bệnh không tuân thủ điều trị lao thông thường và tự ý giảm liều hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị. Ngoài ra, còn do khả năng dung nạp của người bệnh kém hoặc bị mắc một số bệnh liên quan đến gan - thận, tiểu đường, tim mạch… khiến cho quá trình đáp ứng thuốc không tốt, dẫn đến lao kháng thuốc. 
     
       Khi bệnh nhân đã mắc lao kháng thuốc, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, phải điều trị kéo dài từ 19 - 24 tháng (chia theo từng giai đoạn), thay vì chỉ mất 6 tháng. Thuốc sử dụng điều trị lao kháng thuốc cũng nhiều hơn và gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Người bệnh muốn loại bỏ bệnh phải điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh, chi phí điều trị lao kháng thuốc rất tốn kém.
     
       Trước đây, bệnh nhân lao kháng thuốc điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong 2 năm. Nay, chương trình điều trị lao kháng thuốc cho bệnh nhân lao tái phát và lao mắc mới triển khai, người bệnh được điều trị hoàn toàn miễn phí tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, còn được các y, bác sĩ tư vấn, giúp đỡ, được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, đi lại trong suốt quá trình điều trị.
     
       Chị Nguyễn Thị Kim Trắng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, là mẹ của bệnh nhân Phạm Thị Tuyết đang điều trị tại Bệnh viên Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “Con tôi điều trị lao thường được 6 tháng. Do điều kiện gia đình khó khăn, con tôi đã ngừng điều trị một tháng. Sau khi quay lại cơ sở điều trị, kiểm tra đã nhiễm lao kháng thuốc. Qua 2 tuần điều trị, sức khỏe có chuyển biến khá hơn. Tôi rất mừng”.
       
        Để công tác quản lý lao kháng thuốc đạt hiệu quả, đầu năm 2015, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã trang bị thêm máy Geenear - phát hiện sớm lao kháng thuốc (chỉ sau 2 giờ). So với trước đây, phải mất vài tháng để làm kháng sinh đồ xác định bệnh nhân có phải mắc lao kháng thuốc không. Nhờ đó, góp phần quản lý tốt nguồn lây lao kháng thuốc trong cộng đồng.
       
       Bác sĩ Phạm Thanh Bình cho biết thêm, trong 3 tháng đầu năm 2015, bệnh viện đã phát hiện 15 ca lao kháng thuốc. Theo ước đoán, năm 2015, số ca mắc lao kháng thuốc ở Bến Tre sẽ cao gấp nhiều lần so với năm 2014. Để giảm tình trạng mắc lao kháng thuốc, người bệnh lao, lao kháng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ cách điều trị và có cách phòng lây nhiễm cho người xung quanh. Nếu trong quá trình điều trị gặp phải các phản ứng phụ thì người bệnh đến ngay bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ, điều chỉnh các loại thuốc, đảm bảo quá trình điều trị thành công.



Tác giả bài viết: Ngọc Hoa - Phan Hân

Nguồn tin: baodongkhoi.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Đăng nhập thành viên

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 145

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 142


Hôm nayHôm nay : 32576

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 408818

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 20544861

Thăm dò ý kiến

Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi?

Phục vụ bệnh nhân tốt

Khám bệnh chuyên nghiệp

Bác sĩ chuyên nghiệp

Tất cả các ý kiến trên